Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ: Nhà thầu ngang nhiên mang đất thải dự án đổ thẳng vào nhà máy gạch
Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư dự án trên 3.100 tỷ đồng. Dự án đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư triển khai thực hiện giai đoạn 1.
Với những dự án lớn và quan trọng như vậy, rất cần những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và uy tín để thực hiện triển khai theo đúng quy định. Tuy nhiên, không hiểu vì sao ngay từ khi mới triển khai nạo vét đất thải, đoạn nối với tỉnh lộ 315, khu 2, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Nhà thầu đã không thực hiện đúng quy định về đổ đất thải, mặc dù chính quyền xã Hà Lộc đã bố trí chỗ đổ thải cách đoạn nạo vét khoảng 1 km.
Địa điểm nạo vét đất thải, đoạn nối với tỉnh lộ 315, khu 2, xã Hà Lộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.Ghi nhận thực tế, phóng viên đã có mặt nhiều ngày tại công trường đang nạo vét cho thấy, những chiếc xe “hổ vồ” vài chục tấn được cơi nới thùng, có dấu hiệu quá tải chở đầy đất nối đuôi nhau lưu thông trên một số tuyến đường địa bàn thị xã Phú Thọ và huyện Thanh Ba. Thậm chí trong suốt quá trình phóng viên đi theo trên tuyến đường hơn 10 km đoạn qua trạm thu phí IC9 dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhiều xe chở đất còn đi với tốc nhanh, luồn lách trong khu dân cư kèm theo rơi vãi đất bùn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Xe chở đất chạy vương vãi đi qua trạm thu phí IC9 dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai.Liên tiếp các ngày 13/6 và 14/6, phóng viên có mặt tại khu vực thi công dự án, có nhiều máy xúc, máy ủi, xe lu và hàng chục lượt xe tải quá khổ, có dấu hiệu quá tải ra vào dự án để chở đất đi nơi khác.
Theo chân những chiếc xe tải chở đầy đất, phóng viên nhận thấy những chiếc xe này vào lấy đất tại dự án đoạn nối với tỉnh lộ 315, khu 2, xã Hà Lộc rồi đi qua các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện và điểm đến cuối cùng lại không phải là bãi đổ đất thải của dự án mà chính quyền xã Hà Lộc đã chỉ định từ trước, thay vào đó là Nhà máy gạch Tuynel Chí Hưng có địa chỉ tại Khu 1, thôn Quán Lương, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Trong suốt đoạn đường phóng viên đi theo xe chở đất để ghi nhận sự việc, phóng viên nhận thấy những chiếc xe chở đất luôn có những biểu hiện bất thường, như nhiều lần dừng đỗ xuống xe quan sát, gọi điện và lại nhanh chóng di chuyển. Điều kì lạ là, sau một đoạn đường như vậy thì xuất hiện chiếc xe ô tô con hiệu Vios màu trắng bám sát, di chuyển theo sau xe phóng viên đến tận khu vực nhà máy gạch. Tại đây, một số đối tượng đã ra hỏi phóng viên “các anh là ai, làm gì ở đây, có việc gì và yêu cầu không quay phim chụp ảnh”.
Xe tải chở đất thải dự án không đổ tại điểm quy định mà ngang nhiên chở thẳng đến Nhà máy gạch Tuynel Chí Hưng có địa chỉ tại Khu 1, thôn Quán Lương, xã Lương Lỗ, Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.Sau khi ghi nhận sự việc, phóng viên đã liên hệ với chính quyền xã Hà Lộc để làm rõ các thông trên. Sáng 14/6, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hà Lộc khẳng định, dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đoạn nối với tỉnh lộ 315, khu 2 đi qua địa bàn, UBND xã đã bố trí địa điểm đổ đất thải cách công trình chỉ khoảng 1 km. Còn về việc nhà thầu thuộc Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng không thực hiện đổ thải trên địa bàn xã Hà Lộc theo sự bố trí của xã mà liên hệ đổ thải ở nhà máy gạch trên địa bàn huyện khác thì xã không thể quản lý được.
Ngoài ra Chủ tịch UBND xã Hà Lộc cũng đã cung cấp cho phóng viên 1 số hồ sơ thông tin liên quan đến dự án và giới thiệu phóng viên liên hệ người quản lý công trường tên Cảnh, là đại diện Nhà thầu thuộc Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng phụ trách gói thầu. Sau khi liên hệ với người tên Cảnh qua điện thoại, thì người này thừa nhận có sự việc chở đổ đất thải dự án ra nhà máy gạch Tuynel Chí Hưng. Vị này còn phân trần “đổ vào nhà máy gạch anh còn đang lạy van người ta mới cho đổ”.
Thật khó hiểu, mặc dù chính quyền xã sở tại dự án đã bố trí chỗ đổ chỉ cách dự án 1 km, nhưng đơn vị thi công lại phải di chuyển quãng đường hơn 10 km qua những khu dân cư đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường để được “lạy van” đổ đất vào nhà máy gạch?
Như vậy, việc đổ đất vào nhà máy gạch trên địa bàn huyện khác không theo bố trí của chính quyền sở tại có đúng quy định, phương án thi công ban đầu hay không? Có hay không việc trục lợi bán đất dự án làm thất thoát ngân sách, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng?
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!