Góc nhìn chuyên gia: Đỉnh của lạm phát thường là đáy của chứng khoán, nhà đầu tư cần bình tâm rồi mùa xuân sẽ về

19/09/2024 10:12

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch LCTV Investment cho biết trong xu thế điều chỉnh hiện nay, tại một vùng giá nào đó các tổ chức sẽ tham gia và sẽ xuất hiện những đợt tăng giá của một vài nhóm ngành.
photo-import-20220620210721175.png?width

BTV Hoàng Nam và ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch LCTV Investment tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

Xu hướng giảm điểm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi thị trường tiếp tục có phiên lao dốc mạnh với hàng loạt cổ phiếu giảm sâu trong phiên đầu tuần. Mở phiên ngang tham chiếu, nhưng VN-Index không giữ được lâu khi đà bán tháo ngày càng mạnh đã khiến chỉ số giao dịch một chiều đi xuống.

Chính điều này tạo tâm lý tiêu cực đỉnh điểm vào cuối phiên khi chỉ số đóng cửa ở vùng thấp nhất trong ngày. Kết thúc phiên, VN-Index rơi sâu thêm 37 điểm, tương đương 3% và đóng cửa tại 1.180 điểm.

Việc đánh mất ngưỡng 1.200 điểm khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi đâu mới là vùng hỗ trợ mạnh giúp thị trường cân bằng trở lại.

Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch LCTV Investment cho rằng khi phân tích thị trường chúng ta phải đặt hai yếu tố bên cạnh nhau.

Yếu tố thứ nhất là yếu tố vĩ mô bao gồm Fed tăng lãi suất và chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước ở thời điểm hiện tại. Yếu tố thứ hai là giá trị nội tại của doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp đã đủ rẻ để hay chưa thì chúng ta mới tiến hành phân tích thị trường, từ đó mới quan sát và tính toán được các kịch bản phù hợp.

“Chúng ta nên đặt ra các kịch bản khác nhau về tình hĩnh vĩ mô, chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước và bám sát vào nó để đưa ra các biện pháp để quản trị tài khoản một cách chính xác hơn bởi mỗi người có một danh mục đầu tư khác nhau.

Có những người họ không quan tâm đến điểm số của thị trường, người ta có thể mua những cổ phiếu phòng thủ, tiện ích, cũng có người đang trong trạng thái “full cash”. Những trạng thái khác nhau quyết định hành vi của các nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn là mốc điểm số cụ thể.

Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư, ông Đức kể: “Tôi tham gia thị trường vào giữa năm 2003 khi đó Vinamilk lần đầu IPO. Trải qua 19 năm, tôi nhận thấy khoảng 2,3 năm là thị trường lại chứng kiến những đợt sụt giàm tương đối mạnh trên 25 - 30%, gọi là những cú điều chỉnh của thị trường. Còn trung bình khoảng 4 – 5 năm thị trường gần như lại sụp đổ 1 lần.

Sụp đổ ở đây nghĩa là giá cổ phiếu giảm 50 – 60% và chỉ số giảm tới khoảng 50%. Như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng kép 2011, khủng hoảng giá dầu 2014 rồi mới đây là COVID, sự kiện Biển Đông và rất nhiều sự kiện khác.

Đối với thị trường tài chính là một thị trường có biến động tăng giảm, Chủ tịch LCTV Investment cho rằng nhà đầu tư phải luôn chú ý đến những biến động vĩ mô từ các ngân hàng trung ương, tình hình lãi suất tiền tệ bởi thị trường tài chính liên thông với nhau. Với các chính sách tài chính của nhà nước, chúng ta bắt buộc phải lên kế hoạch tài chính phương án của mình ngay từ đầu năm”.

Ông Đức dẫn chứng như đầu năm nay, lãi suất và lạm phát có xu hướng tăng thì phương án đặt ra quyết liệt cắt giảm leverage, cắt giảm các khoản mục đầu tư một cách nhanh nhất có thể để chuyển trạng thái về trạng thái phòng thủ và lên kế hoạch phòng thủ cho một giai đoạn dài vài năm chứ không phải mở rộng đầu tư.

Sau này chúng ta mới tính đến câu chuyện giá trị doanh nghiệp tới đâu để chúng ta phân bổ tiền cho giai đoạn sau. Bởi vì cứ 2 năm thị trường lại bùng nổ trở lại, 2 – 3 năm tiếp theo nó lại điều chỉnh và theo chu kỳ 5 – 6 nó lại sụp đổ một lần. Điều này là hoàn toàn bình thường.

photo-import-20220620210722151.png?width

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch LCTV Investment. (Ảnh chụp màn hình).

Với những nhà đầu tư đã kẹp hàng giai đoạn trước, giá cổ phiếu đã giảm 60 – 70% rồi mà vẫn đang sử dụng leverage thì bắt buộc chúng ta phải chờ những cú hồi tới đây để cơ cấu lại danh mục.

Về mặt phân tích kỹ thuật hiện tại thì thị trường đang ở sóng C. Theo lý thuyết Elliot, sóng xuống gồm 3 sóng, sóng A chúng ta đã trải qua từ 1.500 xuống 1.156 điểm, sóng hồi B kéo dài tới 1.306 điểm vừa qua và chúng ta đang ở chân sóng C.

Xu hướng đi xuống của sóng C liên tục và có những đợt hồi phục nhỏ để nhà đầu tư có thể cơ cấu trạng thái của mình. Sóng C có thể sâu hơn 1.150 điểm nhưng cũng có thể dừng lại ở chân sóng A. Tuy nhiên, hai nhịp sóng khác nhau ở chỗ sóng A là sóng cắm thẳng đứng còn sóng C sẽ đi là là được chứng kiến ở răng cưa đi xuống và xen kẽ những đợt giảm sâu này lại có những đợt phục hồi và thị trường không bao giờ sụp đổ.

Khi chúng ta đầu tư vào cổ phiếu về bản chất là chúng ta mua và nắm giữ những tài sản của doanh nghiệp, thể hiện qua giá trị cổ phần. Trong một xu hướng xuống, tại một vùng giá nào đó các tổ chức sẽ tham gia và sẽ xuất hiện những đợt tăng giá của một vài nhóm ngành. Đỉnh của lạm phát bao giờ cũng là đáy của chứng khoán, theo đó nhà đầu tư hãy cứ bình tâm thì mùa xuân sẽ về.

(Theo: http://vietnambiz.vn/goc-nhin-chuyen-gia-dinh-cua-lam-phat-thuong-la-day-cua-chung-khoan-nha-dau-tu-can-binh-tam-roi-mua-xuan-se-ve-2022620211836932.htm)