PGS. TS Phạm Thế Anh: Cơ chế cấp room tín dụng làm mất đi động lực cạnh tranh giảm lãi suất của các ngân hàng

04/11/2024 07:30

Chuyên gia kinh tế cho rằng việc cấp room tín dụng làm cho hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, các ngân hàng không có động lực cạnh tranh để hạ lãi suất đối với người cho vay. Điều đó không có lợi cho cả người vay tiền và người gửi tiền.

Cơ chế cấp hạn mức tín dụng (room tín dụng) của các ngân hàng là một trong những vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội vừa qua.

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm còn bất cập, mang tính hành chính, chưa đảm bảo công khai minh bạch. Có đại biểu cho rằngcơ chế này không còn phù hợp với tình hình hiện nay và xu hướng thế giới.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng với chuyên gia kinh tế PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

- Theo số liệu của NHNN thì tăng trưởng tín dụng tính đến 27/5 đã lên tới 7,75%, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu tín dụng của thị trường và nhu cầu nới room tín dụng của các ngân hàng hiện nay?

Ông Phạm Thế Anh: Trong thời kỳ bệnh dịch thì nhu cầu tín dụng tạm thời bị trì hoãn lại và sau giai đoạn bệnh dịch nền kinh tế mở cửa bình thường trở lại thì nhu cầu vay vốn đang tăng cao. Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người tiêu dùng cũng có nhu cầu vay mua nhà, mua xe,… cao hơn so với thời điểm dịch.

Còn về nhu cầu nới “room” tín dụng của các nhà băng thì thực tế cho thấy, ngân hàng cũng như một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù. Họ luôn muốn được cho vay càng nhiều càng tốt dựa trên lượng vốn huy động được. Huy động vốn mà chỉ để trong ngân hàng không cho vay ra thị trường thì có nghĩa là họ đang chịu “thua lỗ”.

- Vừa qua nhiều đại biểu quốc hội có ý kiến cho rằng cơ chế cấp room tín dụng hiện tại của NHNN mang nặng tính hành chính, xin cho, ông nhận định ra sao về đánh giá này?

Ông Phạm Thế Anh: Phản ánh của các đại biểu là đúng vì hiện nay room tín dụng đang được cấp phát cho từng ngân hàng, mỗi năm họ xác định vào đầu năm và vào giữa năm và cuối năm lại điều chỉnh. Về cơ bản thì trong thị trường tự do thì ngân hàng cũng giống như những doanh nghiệp bình thường, không nên bị can thiệp hành chính.

Việc cấp phát room tín dụng hiện nay của NHNN cũng tương tự như việc cấm doanh nghiệp không được có doanh thu bán hàng quá một mức bao nhiêu đó. Đương nhiên đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính cũng luôn cần có những tiêu chí về an toàn, nhưng miễn là các ngân hàng đáp ứng các tiêu chí đó thì không nên khống chế về tăng trưởng tín dụng.

Hiện nay trần tín dụng đang kiểm soát bởi NHNN đồng thời các tiêu chí để xác định hạn mức cho từng ngân hàng cũng chưa được công khai, minh bạch. Điều đó rất khó cho các ngân hàng, tất nhiên họ sẽ vẫn hiểu phần nào rằng room tín dụng được quyết định bởi những tiêu chí nào nhưng với cơ quan giám sát như Quốc hội hay người dân thì cần được biết là việc cấp hạn mức được dựa trên cơ sở, tiêu chí nào và tiêu chí đó hiện nay ra sao giữa các ngân hàng.

- Theo ông, nếu không kiểm soát tín dụng theo cơ chế này liệu có dẫn đến tăng trưởng nóng tín dụng, cuộc đua tăng lãi suất hay áp lực lớn lên lạm phát hay không?

Ông Phạm Thế Anh: Tôi nghĩ là không. Thực tế hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đã không dùng room tín dụng như cách NHNN Việt Nam đang điều hành mà họ cũng không gặp phải tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng như NHNN đang lo ngại. Do đó, việc nói bỏ trần tín dụng, trần lãi suất sẽ dẫn đến cuộc đua lãi suất hay tăng trưởng nóng tín dụng thì chưa đủ cơ sở thuyết phục, nếu nhìn vào thực tế trên thế giới.

NHNN Việt Nam cũng giống như nhiều NHTW khác trên thế giới họ có rất nhiều công cụ khác để kiểm soát tăng trưởng nóng và an toàn của hệ thống ngân hàng. Ví dụ như tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ở Việt Nam việc áp dụng quy định về chỉ tiêu này đã lùi đi lùi lại rất nhiều lần, rồi tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ nợ xấu,…

Việc kiểm soát tín dụng hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay ở mức cao. Bởi vì nó không khuyến khích cạnh tranh giữa các ngân hàng.

b-20220614143124193.jpg?width=700

 Đồ hoạ: Alex Chu

Ví dụ một ngân hàng đã được cấp room tín dụng sát trần thì sẽ không có động lực cạnh tranh với các ngân hàng khác để hạ lãi suất cho vay. Hoặc họ có thể ép những người đi vay vốn phải trả thêm các chi phí khác hoặc yêu cầu ký thêm hợp đồng bảo hiểm,… Nói chung điều đó không có lợi cho cả người vay tiền và người gửi tiền.

Còn về lạm phát lại là một vấn đề khác. Cách đây hơn 10 năm diễn ra thời kỳ hỗn loạn tín dụng và nguyên nhân chính là do lạm phát vượt tầm kiểm soát. Khi lạm phát cao người dân không muốn gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vì gửi tiền mất giá nhanh hơn so với lãi suất được hưởng.

Cùng với đó, khi lạm phát xảy ra thì NHNN lại có động thái thắt chặt tiền tệ một cách đột ngột. Ví dụ thời kỳ 2008 - 2009, NHNN thực hiện áp trần lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc dẫn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng sụt giảm rất mạnh.

Người dân không gửi tiền, NHNN đột ngột nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc làm giảm thanh khoản khiến cho các ngân hàng thương mại phải cạnh tranh với nhau để huy động vốn. Thế nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn như vậy.

Do đó, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng tăng trưởng nóng tín dụng, cuộc đua tăng lãi suất chính là xuất phát từ lạm phát. Nếu như không có lạm phát, không xảy ra như trước đây thì không có chuyện các ngân hàng cạnh tranh với nhau về huy động đua lãi suất lên đến 20%.

Hiện nay, lạm phát không còn là vấn đề lớn như trước đây nên điều đó khó xảy ra và sẽ chẳng có ngân hàng nào đi huy động lãi suất 15 – 20%/năm cả, và người đi vay cũng không chấp nhận vay mới mức lãi suất đó. Do đó muốn hệ thống thị trường tín dụng ổn định thì phải kiểm soát được lạm phát và muốn làm được thì phải khống chế được cung tiền trong thời gian dài, chứ không phải trần tín dụng giúp hạn chế cuộc đua lãi suất.

- Người dân có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng đang thì mong muốn tăng hạn mức tín dụng, theo ông nếu NHNN không sớm nới room tín dụng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các ngân hàng và doanh nhiệp?

Ông Phạm Thế Anh: Với các doanh nghiệp, điều dễ thấy nhất là chi phí vốn vay của doanh nghiệp tăng cao. Người đi vay phải chịu lãi suất cao. Khi các ngân hàng tốt đã hết room tín dụng không thể cho vay được thì họ phải tìm đến các ngân hàng nhỏ hơn hoặc kém an toàn hơn, thường có lãi suất cao hơn để bù lại rủi ro. Thế nên người đi vay sẽ bị thiệt.

  • TIN LIÊN QUAN
  • crawl-20220609115820216-avatar-15x10-202

    Cơn khát nới room tín dụng của các ngân hàng 10/06/2022 - 08:20

Nếu không nới room thì chương trình hỗ trợ lãi suất 2% sẽ không thực hiện được vì các ngân hàng tốt hầu như đã hết room tín dụng rồi, không thể cho vay được nữa. Thực tế nhiều ngân hàng đã chia sẻ hiện đã gần cạn room tín dụng.

Về phía các ngân hàng, khi đã cạn room họ không có động lực cạnh tranh để hạ lãi suất đối với người cho vay. Và nếu không giải quyết nhanh vấn đề này thì lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vì huy động mà không cho vay được sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn và ảnh hưởng tới lợi nhuận.

- Dựa trên các cách điều hành tín dụng của các nước trên thế giới, theo ông, Việt Nam nên điều chỉnh cơ chế quản lý như thế nào cho hợp lý và điều gì cần làm ngay lúc này?

Ông Phạm Thế Anh: Theo tôi, tạm thời nếu chưa bỏ ngay được cơ chế quản lý theo hạn mức tăng trưởng này thì NHNN cần phải khẩn trương điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng. Đặc biệt là với các ngân hàng có tỷ lệ an toàn cao, tốt thì phải điều chỉnh ngay để các nhà băng giải quyết được bài toán cho vay và đặc biệt là thực hiện được gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Về lâu dài, NHNN cần phải nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu an toàn tài chính và phải giám sát được nó. Họ cần xây dựng hệ thống thông tin để giám sát, cảnh báo việc thực hiện các chỉ tiêu đó của các ngân hàng thương mại để từ đó dần bỏ cơ chế áp trần tín dụng đi. Nếu giám sát theo các chỉ tiêu an toàn thì các ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ không đáp ứng được và khi đó sẽ không được phép cho vay chẳng hạn.

Bản thân việc cấp room tín dụng làm cho hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả và giống như một miếng bánh phân chia giữa các ngân hàng với nhau. Và có vẻ như NHNN đang điều tiết tín dụng theo cách dàn đều giữa các ngân hàng, tất nhiên ngân hàng nào tốt sẽ được cao hơn nhưng về lâu dài điều đó không tốt cho thị trường, không phải là thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Xin cảm ơn ông!

(Theo: http://vietnambiz.vn/pgs-ts-pham-the-anh-co-che-cap-room-tin-dung-lam-mat-di-dong-luc-canh-tranh-giam-lai-suat-cua-cac-ngan-hang-202261414832832.htm)