Việt Nam sẽ đề nghị EU giảm tần suất kiểm tra thanh long và nông sản xuất khẩu

05/11/2024 05:28

Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát MRLs với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là cơ sở để SPS Việt Nam đề nghị EU giảm tần suất kiểm tra thanh long cũng như một số sản phẩm xuất khẩu khác .

Tại phiên họp lần thứ 83 của Ủy ban An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (Ủy ban SPS-WTO) diễn ra từ ngày 22-24/6 tại Thụy Sĩ, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ làm việc với phía EU nhằm thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long, các loại rau gia vị, đậu bắp, ớt và thực phẩm ăn liền, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin.

Với Trung Quốc, SPS Việt Nam đề nghị làm rõ các tiêu chí Trung Quốc trong việc đáp ứng Lệnh 248, Lệnh 249, đồng thời phối hợp rà soát hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau tháng 6/2023 và mở cửa thị trường cho một số nông sản như sầu riêng, khoai lang... 

Ngoài ra, đoàn Việt Nam sẽ làm việc với Brazin về phụ gia thực phẩm thủy sản, chế độ xử lý nhiệt sản phẩm tôm đã chế biến); Ả Rập Xê-út về mở cửa lại thị trường cho thủy sản nuôi trồng như tôm, cá tra; Pakistan về quy định Aflatoxin trong chè; Vương quốc Anh về làm rõ mẫu chứng nhận kiểm dịch thực vật mới.

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: "Văn phòng SPS Việt Nam sẽ trao đổi với phía EU, đề nghị phía bạn làm rõ các tiêu chí về tần suất kiểm tra một số nông sản, thực phẩm xuất khẩu, cũng như đi đến thống nhất các giải pháp nhằm giảm tần suất kiểm tra, giúp doanh nghiệp, người dân đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu".

Theo ông Nam, xét về mức độ không tuân thủ trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có 1 lô hàng thanh long xuất khẩu sang EU không đạt do Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát MRLs với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đây là cơ sở để SPS Việt Nam đề nghị EU giảm tần suất kiểm tra thanh long cũng như một số sản phẩm khác.

Ngoài ra, ông Ngô Xuân Nam cho biết, phía Trung Quốc chuẩn bị triển khai kiểm tra trực tuyến với một số nhóm mặt hàng được quy định theo Lệnh 249.

"Chúng tôi sẽ đề nghị Trung Quốc làm rõ các nội dung cũng như tần suất kiểm tra để phối hợp nhịp nhàng, đồng thời có cơ sở để tổ chức phổ biến cho các cơ quan liên quan và doanh nghiệp sản xuất, nhằm tránh tình trạng gián đoạn thương mại", ông Nam nhấn mạnh. 

(Theo: http://vietnambiz.vn/viet-nam-se-de-nghi-eu-giam-tan-suat-kiem-tra-thanh-long-va-nong-san-xuat-khau-202262016135099.htm)